< Trở lại

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA THUỐC VÀ DỊ ỨNG

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị dị ứng như nổi mề đay, hắt hơi, sổ mũi, hen suyễn... Ngược lại, một số loại thuốc lại là tác nhân gây dị ứng!
Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị dị ứng như nổi mề đay, hắt hơi, sổ mũi, hen suyễn... Ngược lại, một số loại thuốc lại là tác nhân gây dị ứng!
 
Tìm hiểu về dị ứng
 
Dị ứng là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây dị ứng (còn gọi là dị ứng nguyên). Dị ứng nguyên bình thường là những chất vô hại như phấn hoa, nấm mốc, con mạt, lông thú, thức ăn...
 
Hệ miễn dịch là hệ thống bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân lạ (vi khuẩn, virút, ký sinh trùng, nấm mốc, phấn hoa…) xâm nhập vào cơ thể nhằm ngăn chặn bệnh tật và sự lây nhiễm. Khi một dị ứng nguyên xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tăng cường số lượng các kháng thể ImunogloblinG (IgG ) do tế bào lympho B sinh ra, gắn lên bề mặt các tế bào mast (dưỡng bào) ở các mạch máu, mũi, miệng... Kết quả của quá trình này là sự phóng thích các chất trung gian như histamin, serotonin, leucotrien... gây ra các triệu chứng dị ứng.
 
 
Dị ứng thường có tính cách di truyền. Bệnh chàm, viêm mũi dị ứng, hen... là những bệnh do dị ứng gây ra.
 
Tùy thuộc vào con đường xâm nhập của dị ứng nguyên vào cơ thể,ta có các dạng dị ứng sau:
 
- Dị ứng hô hấp (viêm mũi dị ứng, hen).
 
- Dị ứng tiêu hóa (tiêu chảy, ói mửa).
 
- Dị ứng da (mề đay, viêm da…).
 
Sự phân loại dị ứng còn phụ thuộc bản chất dị ứng nguyên như: dị ứng thực phẩm, dị ứng côn trùng, dị ứng thuốc…
 
Mối tương quan giữa thuốc và dị ứng
 
Thuốc là tác nhân gây dị ứng:
 
Thuốc có thể đóng vai trò cùa một tác nhân gây dị ứng (dị ứng nguyên) và được gọi là dị ứng thuốc. Hầu như tất cả các loại thuốc đều có thể gây dị ứng, tùy thuộc vào cơ địa mẫn cảm của người sử dụng. Các phản ứng xảy ra do dị ứng thuốc có thể xuất hiên ngay sau khi dùng thuốc hoặc khi dùng thuốc đã lâu ngày và thậm chí sau khi ngưng dùng thuốc. Các phản ứng này có thể xảy ra từ mức độ nhẹ đến nặng, trong trường hợp nghiêm trọng như sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong.
 
Các triệu chứng của dị ứng thuốc:
 
- Nổi ban ngoài da, ngứa, sưng phù.
 
- Sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi.
 
- Viêm phổi, tăng tiết đàm và co thắt phế quản.
 
- Sưng hạch bạch huyết.
 
- Rối loạn đường huyết.
 
- Sốc phản vệ…
 
Các thuốc cần đặc biệt lưu ý về nguy cơ cao gây ra dị ứng thuốc: Aspirin và các salicylat, penicillin, nhóm thuốc sulfamid, nhóm thuốc gây tê cục bộ (procain, lidocain…)...
 
Thuốc sử dụng trong điều trị dị ứng:
 
Một số loại thuốc được sử dụng điều trị các triệu chứng do dị ứng gây ra như nổi mề đay, sưng phù, ngứa, co thắt phế quản... Các thuốc này có thể được trình bày ở dạng thuốc viên, thuốc nước, thuốc xịt, thuốc dùng ngoài… và gồm các thuốc sau:
 
Thuốc kháng histamin H1:
 
Các thuốc kháng histamin H1 là thuốc chủ yếu trong điều trị dị ứng. Các thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự hoạt động của histamin gây ra các triệu chứng dị ứng.
 
Thuốc kháng histamin H1 được chia làm 2 nhóm:
 
- Nhóm thế hệ cũ (clorpheniramin, dexclorpheniramin…) tác động lên hệ thần kinh trung ương nên gây buồn ngủ (cần tránh sử dụng khi lái xe, vận hành máy móc..).
 
 
- Nhóm thế hệ mới (loratadin, cetirizin…) không tác động lên hệ thần kinh trung ương nên không gây buồn ngủ.
 
Cần thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc kháng histamine H1 với người bị tăng nhãn áp hay viêm tiền liệt tuyến.
 
Thuốc corticosteroid:
 
Các thuốc corticosteroid (dexamethason, betamethason…) có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng nên được sử dụng trong điều trị dị ứng.
 
Cần lưu ý: không sử dụng nhóm thuốc corticosteroid với người có tiền sử viêm loét dạ dày, cao huyết áp, đái tháo đường...
 
Thuốc đối kháng thụ thể leucotrien:
 
Các thuốc đối kháng thụ thể leucotrien (monteleukat, pranlukat...) có tác dụng ngăn chặn sự hoạt động của leucotrien, là một hoạt chất trung gian được phóng thích ra trong quá trình dị ứng gây viêm phế quản. Các thuốc này thường được sử dụng trong điều trị hen phế quản do dị ứng.
 
Thuốc ổn định tế bào mast (dưỡng bào):
 
Các thuốc ổn định tế bào mast (cromolyn, nedocromil…) ngăn cản sự phóng thích các chất trung gian hóa học như histamin, serotonin… từ tế bào mast, nên có tác dụng chống dị ứng. Các thuốc này thường dùng trong điều trị hen phế quản và viêm mũi dị ứng.
 
Cần lưu ý: không dùng các thuốc này cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
 
Thuốc chống sung huyết (Decongestan):
 
Các thuốc chống sung huyết (phenylephdrin, pseudoephedrin…) có tác dụng co mạch nên làm giảm nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi…
 
Cần lưu ý: không sử dụng thuốc chống sung huyết với người mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, viêm tiền liệt tuyến...
 
Adrenalin (Epinephrin):
 
Adrenalin là hoạt chất thuộc nhóm catecholamin (gồm có dopamin, noradrenalin, adrenalin) có tác dụng kích thích giao cảm. Adrenalin được sử dụng trong trường hợp cấp cứu sốc phản vệ và được trình bày ở dạng thuốc tiêm với hàm lượng 0,1 mg/ml hay 1mg/ml.
 
Sốc phản vệ là tình trạng nguy hiểm nhất của phản ứng dị ứng thuốc, với biểu hiện người bệnh bồn chồn, hồi hộp, da xanh, lạnh, huyết áp hạ, suy tim, suy hô hấp... có thể dẫn đến tử vong! Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu sốc phản vệ, cần lập tức ngưng sử dụng các tác nhân dị ứng nguyên (thuốc tiêm, thuốc uống…) và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời!
 
 
 
 
DS. MAI XUÂN DŨNG(SK&DS)
 
 

Bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu (*)

captcha